Tiếp tục tái thả các cá thể rùa nguy cấp tại Việt Nam

Từ ngày 21 đến 24 tháng 06 năm 2020, Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation phối hợp với Trung tâm Bảo tồn rùa (TCC) thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương đã tận dụng thời gian sau giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch CoVID-19 diễn ra đầu năm nay và tiếp tục thực hiện một đợt tái thả các cá thể rùa về môi trường tự nhiên. Đây là đợt tái thả thứ 3 được thực hiện trong năm 2020.

Trong đợt này chúng tôi đã đưa 66 cá thể rùa trở lại môi trường tự nhiên tại một khu vực được bảo vệ ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm 11 cá thể rùa hộp trán vàng miền bắc (Cuora galbinifrons) cực kỳ nguy cấp, 40 cá thể rùa đầu to (Platysternon megacephalum) nguy cấp, 15 con non thuộc loài rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata) nguy cấp. Các thành viên trong đoàn tái thả đã rất nỗ lực khi đi bộ, chèo đèo, lội suối và băng qua nhiều đoạn đường hiểm trở để đến sinh cảnh phù hợp để thả rùa trong thời tiết nóng bức ở miền Bắc Việt Nam.

Ảnh ghi lại giây phút một cá thể non rùa đầu to vừa được tái thả trước khi hòa mình vào hệ sinh thái mới. Ảnh: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC

Đợt tái thả này cũng đánh dấu lần đầu tiên các cá thể rùa non ấp nở thành công tại TCC được thả lại môi trường tự nhiên. Do những thành công trong công tác nhân nuôi sinh sản trong thời gian qua, hiện trung tâm đã phải làm việc hết công suất và thường xuyên trong tình trạng quá tải. Trung tâm hiện cũng có nhiều con non của loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) và rùa cổ sọc (Mauremys sinensis) sẵn sàng để tái thả. Nếu bạn muốn tài trợ cho các hoạt động của chúng tôi, đặc biệt là chương trình nhân nuôi bảo tồn và tái thả, vui lòng truy cập: https://asianturtleprogram.org/donate/

Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các nhân viên tận tụy đã và đang chăm sóc, phục hồi rùa, các cá nhân làm việc tại khu vực được bảo vệ nơi diễn ra đợt tái thả cũng như tất cả các thành viên đã trực tiếp tham gia đợt tái thả đầy thách thức về thể lực này. Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn Quỹ bảo tồn Fondation Segré và Chương trình EDGE of Existence đã tài trợ cho dự án này, cùng các đối tác khác của dự án bao gồm Hội động vật học Luân Đôn (ZSL), vườn thú Paignton Zoo, tổ chức Nordens Ark, Viện Tài nguyên và Môi trường (CRES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và tất cả các đối tác đã và đang đồng hành cùng chúng tôi trong công tác bảo tồn rùa.

Thông cáo báo chí: Hoàng Văn Hà – ATP/IMC
Ngày: 29/06/2020

Tải tài liệu tiếng Anh
Tải tài liệu tiếng Việt

No comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *