Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) là chương trình trọng điểm của Tổ chức Indo-Myanmar Conservation, tập trung vào việc bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt trong khu vực Đông Nam Á. ATP được thành lập năm 1998 và sáp nhập vào Tổ chức Indo-Myanmar Conservation năm 2015.
Được thành lập cùng thời gian với Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Việt Nam, các hoạt động của ATP trong hơn 20 năm qua vẫn lấy Việt Nam, quốc gia có tới 26 loài được ghi nhận với 6 loài sắp nguy cấp (VU), 9 loài nguy cấp (EN) và 7 loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR), theo sách Đỏ IUCN (2020), làm trọng tâm.
Mục tiêu hoạt động của ATP là thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho các loài rùa châu Á, đảm bảo rằng sẽ không có loài rùa nào bị tuyệt chủng. Mục tiêu này đang được hiện thực thông qua các hoạt động như nghiên cứu bảo tồn nội vi và ngoại vi, bảo vệ sinh cảnh sống, truyền thông cộng đồng cũng như xây dựng đội ngũ chuyên trách.
ATP tập trung nguồn lực vào các loài ưu tiên bảo tồn tại Việt Nam bao gồm các loài cực kỳ nguy cấp và/hoặc đặc hữu, như loài rùa Trung bộ (Mauremys annamensis), nhóm rùa hộp có phân bố ở miền Trung: rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa nùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata), và loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) huyền thoại, có tên khác là loài Giải Sin-hoe, phân bố ở miền Bắc Việt Nam, loài rùa được các chuyên gia đánh giá là loài rùa nguy cấp nhất thế giới.