Chương trình Bảo tồn rùa châu Á

Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) được thành lập năm 1998 và sáp nhập vào Vườn thú Cleveland Metroparks / Hiệp hội Vườn thú Cleveland khu vực châu Á năm 2003. Vào năm 2014, ATP sát nhập vào Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC) để mở rộng phạm vi hoạt động trong các lĩnh vực khác như các phân loài khác và sinh kế thay thế cho người dân. Từ khi ATP hình thành cùng với những thành công và sự phát triển của Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động bảo tồn các loài rùa cạn và rùa nước ngọt (TFT) tại khu vực Đông Nam Á với trọng tâm tại Việt Nam.

Mục tiêu hoạt động của ATP là thiết lập một tương lai an toàn và bền vững cho các loài rùa châu Á, đảm bảo rằng sẽ không có loài rùa nào bị tuyệt chủng. Chúng tôi thực hiện các chiến lược can thiệp, đóng góp trực tiếp vào việc bảo tồn các loài rùa, hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sinh vật có giới hạn này cũng như phát triển và tăng cường năng lực lãnh đạo, truyền thông tới cộng đồng nhằm thay đổi thái độ và hành vi trong xã hội đối với các loài rùa.

Các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam hiện đang ưu tiên cho các loài cực kỳ nguy cấp và đặc hữu. Các dự án tập trung vào loài rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis), rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) và rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) tại miền Trung Việt Nam. Ở miền Bắc, ATP cũng đang tiến hành dự án bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei), hay còn gọi là Giải khổng lồ Swinhoe, loài được ghi nhận có nguy cơ tuyệt chủng rất cao trên thế giới.

Đào tạo kĩ năng và truyền thông là một hợp phần trong các hoạt động của ATP với các khóa tập huấn tăng cường năng lực thực thi pháp luật dành cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ các loài rùa Việt Nam. ATP cũng đồng thời tổ chức các hoạt động nghiên cứu kết hợp bảo tồn và đào tạo thế hệ các nhà khoa học, bảo tồn rùa trẻ thông qua các khóa tập huấn sinh viên hàng năm.

Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á mong muốn nhận được sự ủng hộ của các đối tác và các tổ chức tài trợ. Nếu quý vị muốn hỗ trợ ATP, xin vui lòng truy cập vào trang hỗ trợ của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi tại địa chỉ email support@asianturtleprogram.org